Chỉ khi được các cao thủ trong giới cờ bạc bịp tiết lộ bí quyết, chúng ta mới giật mình hiểu vì sao đánh với họ chúng ta chỉ có thể thua chứ không thể thắng.
Trong bài viết này, chúng ta sẽ theo chân T, một tay chơi cờ bạc bịp có tiếng tài đất Sài Thành khám phá những chiêu trò mà giới chơi bạc bịp thường sử dụng.
Bộ dụng cụ xóc đĩa bịp với bề ngoài rất đỗi bình thường
"Cao thủ" sau song sắt và những chiêu trò
Sau lần gom toàn bộ vốn liếng đánh quả lớn bị thất bại, T. từ một thằng nhóc bụi đời chuyển sang hành nghề câu trộm chó rồi theo đám bạn lao vào các cuộc gây hấn đâm thuê chém mướn, lăm le "lấy số" để thị uy với dân buôn trong các khu chợ, kiếm tiền bảo kê. Xưng hùng xưng bá được ít tiếng tăm, T. lập sòng bạc tổ chức thu "xâu" và bảo kê. Hoạt động được hai năm thì bị công an đưa đi cưỡng chế vì tội "tổ chức đánh bạc kiêm quấy rối trật tự công cộng".
Những ngày xộ khám, gã được bạn tù dạy cho các chiêu thức cờ bạc bịp. Sau này, chính người bạn tù này trở thành sư phụ, mở ra tuệ căn thiên bẩm về "cờ bạc bịp" trong T.. Sau thời gian ra tù, T. bắt đầu đi bụi. Với vốn liếng học được, gã đi đánh bạc khắp nơi cùng chiêu trò mới học.
Theo lời kể của T, trong cách chơi bài bịp truyền thống, có hai cách đánh. Một là "đánh võ" là cách mà người ta hay thường thấy trong phim ảnh hoặc ở những sòng bạc chợ (tổ chức tự phát ở các tụ điểm đen như đầu đường, góc hẻm, chợ, ga...). Khi "đánh võ" người đánh bịp sẽ sử dụng những lá bài được cất giữ ở những vị trí rất nhạy cảm như cổ tay, cổ áo, thắt lưng lai quần... (tất nhiên là những điểm trên được thiết kế rất đặc biệt và tinh vi để người cùng chơi không biết), rồi sau đó là màn diễn xuất làm phân tâm để ém bài, búng bài... đưa lá bài cần lấy vào cây bài.
Cách thứ hai là "đánh văn". Cách này, người đánh chỉ sử dụng 52 lá bài đang đánh, không dùng lá bài bên ngoài hay thủ đoạn gián tiếp nào hết. Lối đánh này rất ít người biết. Trong cách đánh văn, giới thợ chia làm 4 phần. Đầu tiên là quan sát; thứ hai là đánh dấu lá bài (dùng móng tay ấn nhẹ làm dấu lá bài để khi xếp có thể lấy lá bài đó); thứ 3 là xếp bài làm công thức và xốc theo công thức đó). Cuối cùng là chia cho các cửa khác lá bài xấu, lấy cho mình con đã chọn.'
Áo tráo bài là loại sản phẩm mà dân chơi bài bịp nào cũng có
Khi vào sòng, thợ bài nào đã đánh văn được thì dù cho các cửa khác có tinh vi bao nhiêu cũng là vô hiệu vì tất cả đã bị đưa vào guồng quay theo sự tính toán cùng kỹ thuật qua mắt "cú vọ" của thợ. Cho nên một thợ bài đánh văn giỏi, chuyền đẹp sẽ được sánh như một nhà ảo thuật tài ba. Trong chiếu bài "công chuyện", các thợ thầy còn hay sử dụng các kĩ thuật lật bài, đẩy bài, rút bài, cũng là cách quay lại công thức cũ đã sắp sẵn khi các cửa chơi liên tục cúp bài.
Ngoài ra không những về kĩ thuật, các thợ bài phải còn là những bậc thầy về "tuồng tích". Thợ bài vào sòng có thể hóa trang thành một thằng nhà quê khờ khạo, một anh trí thức hay sinh viên hiền lành, một ông già cùi bắp ham máu đỏ đen, tất cả như những con nai tơ bị mua chuộc bởi sức nóng của đồng tiền ăn thua. Làm được điều đó, mọi nghi vực về bản thân "thầy thợ" sẽ biến mất. Điều tiếp theo là tha hồ làm "công chuyện". Tuy nhiên, với mỗi thợ bài, mỗi khi làm "công chuyện" họ phải quan sát tình hình cùng hoàn cảnh thực tế để tránh gặp phải biến hoặc đụng hàng "thầy, thợ" thì dễ dàng xử lý.
Nguyên lý có một không hai của giới cờ bạc bịp
Điều dễ dàng nhận thấy ở những con bạc là thường lao đầu vào những trò đỏ đen có tỷ lệ ăn thua lớn. Nắm rõ tâm lý này, các sòng bạc có tổ chức đen đều tập trung vào trò tôm cua và xóc đĩa (là 2 trò đỏ đen có độ ăn thua rất lớn). Trong chiếu bạc này số tiền đặt cho mỗi chén (mỗi lần cược) có khi lên tới hàng tỉ đồng.
T. cho biết, trước đây, công nghệ chế tác bầu cua thường được sử dụng là loại bầu cua gắn nam châm, hình thức gian lận theo nguyên lý từ trường. Theo nguyên tắc chế tạo, các hột lắc sẽ được gắn một miếng nam châm rất mỏng (gọi là thanh phụ). Bên cạnh nó sẽ có một tụ nam châm chính có nhiệm vụ điều chỉnh các nam châm phụ đi theo hướng mà chúng cần đến. Tụ nam châm chính đó có thể ngụy trang thành một bao thuốc lá, một cái quẹt lửa... nó được đặt gần đĩa để khi cần có thể xoay chuyển cuộc chơi.
Cũng có khi tụ chính được đặt cố định ngay dưới chiếu bạc hay chôn hoặc ép vào chiếu đệm chơi bạc. Lúc này phương thức cũng tương tự nhưng cách hành động sẽ thay đổi một chút nhỏ. Người đánh bịp sẽ xê dịch đĩa tôm cua sang hướng mình cần 1- 2cm sau mỗi lần mở nắp ăn thua. Lúc ấy tụ chính cố định và những thanh phụ nằm trong hột lắc sẽ tự di chuyển khi lệnh hướng đi theo sức hút của tụ chính. Với nguyên lý cùng cực đẩy, trái cực hút đó, cho dù người đánh bịp sử dụng phương thức nào thì hiệu quả vẫn là tuyệt đối.
Nhưng với bầu cua gắn nam châm, cách gian lận trên đã bị lạc hậu vì trình độ chuyên nghiệp của con bạc thừa sức nhận thấy. Bởi xét về cách đánh này để biết và gian lận được đòi hỏi người chơi bịp phải là một tay có thâm niên, kinh nghiệm cùng với một khả năng nhạy bén, kết hợp với tập luyện không ngừng về bộ môn bầu cua. Hình thức gian lận ở hột nghe là sự phối hợp vô cùng nhạy cảm giữa thính giác với hột lắc, đã được làm lại ở các mặt trong bằng một số chi tiết đặc biệt. Hột sẽ được thợ gắn vào thêm mỗi mặt một vật liệu khác nhau.
Có thể bằng giấy, bằng ni lông, giấy buộc ni lông theo một quy định... miễn sao khi súc, người thợ có thể nghe được tiếng lắc cuối cùng khi hột dừng theo dấu hiệu đã đặt ra sẵn. Khi nghe hột dừng lại ở đâu, thợ sẽ đặt ngay vào cửa đã biết cho những người chơi khác trả ngược lại vì khi chơi bầu cua người đánh sau rất thích trả ngược cửa đặt trước). Lợi dụng được tâm lý cùng chiêu trò đặc biệt này, các thầy thợ đã ăn sương rất nhiều ở khắp các sòng lớn nhỏ.
Hiện nay, thay thế bằng chiêu thức cũ là công nghệ thu sóng ở bầu cua, các thầy thợ có thể chủ động được cuộc chơi. Tất cả được theo sự kiểm soát của thầy thợ chứ không phải đôi lúc hên xui như bài lá công nghệ. Cũng theo nguyên tắc bắt sóng - rung. Hột lắc được gắn vào một loại chíp phát sóng siêu mỏng đủ để con chơi kiểm chứng (trong các sòng khi thua nhiều con chơi có quyền bóp nát hột lắc để kiểm chứng).
Bên cạnh đó, thiết bị thu sóng cảm ứng được gắn vào vùng nhạy cảm của những đồng minh (thợ đóng vai làm con chơi). Khi nhận được sóng từ hột lắc, thiết bị này sẽ phát ra tín hiệu rung, tín hiệu đó được cài đặt theo những dấu hiệu riêng để đồng minh có thể đánh đúng cửa đã nhận tín hiệu. Vẫn như vậy người cùng chơi lại trả cửa khác. Quy trình đó tiếp diễn cho đến khi con bạc sạch túi. Tuy nhiên với cách làm trên thì đôi lúc thợ thầy cũng làm tuồng đánh trật cửa, ăn vừa vừa để con bạc không nghi kỵ mà hôm sau lại "cắn ớt" dài dài.
Trong cuộc tiếp xúc với L., một cao thủ chuyên chế tạo công nghệ cờ bạc bịp, gã cho tôi xem một bộ bầu cua gồm 3 hột xúc xắc. Tò mò, tôi bóc vỏ ngoài từng con và khẳng định như đinh đóng cột: Hạt này không gian lận! L. đáp lại bằng một nụ cười tin tưởng: "Chính xác! Cái này không gian lận nhưng chú nói thiếu. Phải là không gian lận về cách đánh nhưng gian lận về xác suất".
Gã đưa thêm một bộ mới nói mua ở chợ, cùng với bộ tôi vừa kiểm tra. Dò xét một lúc, tôi khẳng định: "Bộ anh làm nhìn vuông vức, bằng phẳng và đều hơn bộ mua ngoài chợ". Gã giải thích: "Chú nói rất đúng. Bộ của tôi không gian lận, không gài thiết bị, nó chỉ là những mảnh giấy được ráp lại, cũng không lắp phụ kiện để nghe. Nhưng hột này vẫn có gian lận, đó là gian lận về xác suất ăn thua.
Chưa từng một ai chơi bạc sạch mà giàu, cũng chưa có ai làm giàu khi đâm đầu vào cờ bạc. Một khi đã vào sòng với tư cách là những con chơi, xác suất ăn của con chơi chỉ là 30%. Còn người nắm cái được hưởng tới 50%. Nhưng trong 30% phần trăm của con chơi lại tiếp tục bị chia đều, còn 20% tiếp theo phụ thuộc vào người cầm cái. Đây chính là xác suất đúng và thực tế nhất thường xảy ra trong mỗi chiếu bạc chứ không phải 50 - 50 như người ta vẫn nghĩ. Cho nên khi giới cờ bạc bịp đã đưa được đối thủ vào tròng thì coi như đã dành được cả 70% thắng lợi, gian lận xác suất chính ở chỗ đó.
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét